Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên (Sep 9 2014)


Sáng ngày 28 tháng 5 năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo qua mạng trực tuyến lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên

Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên

Đại học Đà Nẵng được chọn là đơn vị chủ trì điểm cầu tại Đà Nẵng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo và chuyên viên trực tiếp triển khai công tác lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên của các trường đại học, cao đẳng có trụ sở đóng trên địa bàn 11 tỉnh/thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Tham dự và chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Đà Nẵng là PGS. TS. Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng.

Nội dung trọng tâm của Hội thảo tập trung thảo luận kết quả triển khai công tác lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên tại các trường đại học và cao đẳng trong thời gian qua; góp ý dự thảo tiêu chí lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên của Bộ GD & ĐT; trao đổi tình hình đánh giá giảng viên nói chung và lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên nói riêng; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thực hiện đánh giá giảng viên và tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên.
Hội thảo đã nghe 06 báo cáo tham luận và 06 phát biểu trực tiếp tại Hội thảo từ 12 trường đại học, cao đẳng công lập và tư thục trong cả nước về việc thực hiện lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Trong báo cáo tham luận, các đại biểu báo cáo tình hình thực hiện khảo sát sự hài lòng của sinh viên đối với môn học và khóa học; lấy ý kiến phản hồi từ sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên; những thuận lợi, khó khăn và hạn chế trong quá trình thực hiện. Nội dung lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên được xây dựng tùy theo đặc thù của từng ngành, chuyên ngành đào tạo của từng trường nhưng chủ yếu tập trung vào vào các tiêu chí: Nội dung và phương pháp giảng dạy của giảng viên, tài liệu học tập, thực hiện kế hoạch dạy học, kiểm tra – đánh giá kết quả học tập của người học, tác phong sư phạm của giảng viên. Các báo cáo tham luận thể hiện công tác lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường. Kết quả phản hổi từ người học tạo thêm kênh thông tin giúp giảng viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy; nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của nhà trường. Đối với sinh viên đã góp phần tăng cường tinh thần trách nhiệm của họ đối với quyền lợi, nghĩa vụ học tập, rèn luyện của bản thân; tạo điều kiện để sinh viên được phản ánh tâm tư, nguyện vọng, được thể hiện chính kiến về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Qua việc thực hiện lấy ý kiến phản hồi về hoạt động giảng dạy của giảng viên, sinh viên được đề xuất mong muốn, nguyện vọng và những yêu cầu đối với nhà trường cũng như đối với từng giảng viên để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập.

Thông qua các báo cáo tham luận, các trường chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên như thời gian lấy ý kiến phản hồi; hầu hết các trường chưa có sự thống nhất về biện pháp, hình thức xử lý đối với các trường hợp giảng viên có kết quả khảo sát thấp; đặc biệt là do thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện nên việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các trường. Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu tại Hội cho rằng không nên đơn thuần sử dụng kết quả lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên để đánh giá giảng viên mà cần kết hợp với các hình thức khác như: dự giờ thăm lớp, phỏng vấn người học, đối chứng kết quả học tập,... Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo thống nhất đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định về các tiêu chí lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Nội hàm của các tiêu chí đánh giá sẽ do các trường xây dựng để phù hợp với đặc thù của ngành, chuyên ngành đào tạo của từng trường.
PGS.TS Lê Cung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS Lê Cung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa phát biểu tại Hội thảo
Kết luận Hội thảo, đại diện Lãnh đạo Cục nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD &ĐT nhấn mạnh tất cả các ý kiến đóng góp và những khó khăn của các trường, đơn vị trong quá trình thực hiện lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên đều được tiếp thu và ghi nhận. Các báo cáo tham luận và các phát biểu trực tiếp tại Hội thảo đã chia sẻ những kinh nghiệm và những gợi ý về cách thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc thù củatừng trường, từng vùng miền. Đồng thời các báo cáo, góp ý cung cấpnhiều thông tincó giá trị để Cục nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tham khảo trong quá trình tham mưu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản quy định cụ thể trong thời gian đến nhằm nâng cao hiệu quả của công tác lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước.