Đại học Đà Nẵng: Ra mắt Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đầu tiên tại khu vực miền Trung & Tây Nguyên (Mar 6 2016)


Đây cũng là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thứ ba trên cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định thành lập. PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trung tâm.
GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyết định thành lập và quyết định bổ nhiệm đến PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng - Giám đốc Trung tâm.

GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyết định thành lập và quyết định bổ nhiệm đến PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng - Giám đốc Trung tâm.


Với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ, đại diện ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, các cơ sở giáo dục đại học, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng đã ký những thỏa thuận hợp tác đầu tiên giữa Trung tâm với các Trường trong khu vực. -Ảnh: T.N

“Suốt thời gian qua, Đại học Đà Nẵng đã không ngừng hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng giáo dục.

Đến nay Đại học Đà Nẵng đã có 26 cán bộ có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có 12 cán bộ có thẻ kiểm định viên; 11 cán bộ có chứng chỉ hoàn thành khóa tập huấn đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á )- QA do Ban Thư ký AUN cấp; nhiều cán bộ tham gia và hoàn thành các khóa tập huấn xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo CDIO, ABET,…

GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng: “Suốt thời gian qua, Đại học Đà Nẵng đã không ngừng hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng giáo dục". -Ảnh: T.N. 

Trong năm 2015, các cơ sở giáo dục đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng cũng đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đang trong quá trình chờ thẩm định để đánh giá ngoài, trong đó Trường ĐH Sư phạm – Đại học Đà Nẵng vinh dự là trường đại học đầu tiên trong cả nước được đánh giá bởi một Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Song song, Đại học Đà Nẵng còn tiến hành đánh giá nội bộ chất lượng giáo dục của tất cả các cơ sở giáo dục đại học thành viên. Đây là môi trường để các cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng giáo dục của Đại học Đà Nẵng thể hiện và hoàn thiện năng lực, nâng cao dần kỹ năng đánh giá ngoài đối với một cơ sở giáo dục đại học.

Trên cơ sở đó, Đại học Đà Nẵng đã mạnh dạn xây dựng đề án xin phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục nhằm phục vụ nhu cầu cần thiết và cấp bách về đánh giá và kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học ở miền Trung-Tây Nguyên và cả nước; đồng thời thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực đánh giá, đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục; góp phần xây dựng văn hóa kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam” – GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết.

Kiểm định là khâu quyết định then chốt bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hội nhập

Phát biểu tại buổi Lễ, GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh:

"Quyết định của cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục “Đạt” hay “Không đạt” cũng mang ý nghĩa là quyết định sinh mệnh, sự tồn tại của một địa chỉ đào tạo, một Nhà trường. Với sứ mệnh cao cả đó, kiểm định viên, chuyên gia kiểm định phải là người từng trải trong hoạt động đào tạo, giàu kinh nghiệm, tâm huyết với sự nghiệp trồng người để có quyết định đánh giá cuối cùng “với sự am tường-cẩn trọng-công tâm để luôn hết sức khách quan”.

* GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo *

-Ảnh: T.N

“Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, công tác kiểm định chất lượng giáo dục ngày càng trở nên bức thiết đối với yêu cầu đổi mới căn bản về giáo dục, đào tạo, đổi mới chất lượng giáo dục nhất là chất lượng giáo dục đại học.

Chỉ có kiểm định mới mang lại những giá trị đích thực của quy trình đào tạo, của chất lượng đào tạo ở một Nhà trường. Cộng đồng xã hội, phụ huynh và người học sẽ chọn trường nào để học; nhà tuyển dụng, thị trường lao động sẽ nhìn vào chất lượng của một Nhà trường đã qua kiểm định để tiếp nhận, bố trí công việc cho lực lượng lao động một cách phù hợp.

Với yêu cầu công khai và minh bạch từ quy trình đào tạo, đến chất lượng giáo dục, vai trò của công tác kiểm định thật nặng nề và đó cũng là đòi hỏi tất yếu của xu thế hội nhập. Nước ta đã tham gia Cộng đồng ASEAN, trong đó có trụ cột của Cộng đồng Kinh tế  (AEC), rồi tham gia và trở thành thành viên của các Hiệp định thương mại toàn cầu, sớm muộn gì cũng sẽ diễn ra sự dịch chuyển, trao đổi lẫn nhau về nguồn nhân lực.

Chúng ta phải bảo đảm chất lượng đào tạo một nguồn lực có khả năng thích nghi không chỉ với nhu cầu lao động trong nước, mà rộng hơn là cả khu vực và khả năng là thích nghi với môi trường lao động toàn cầu. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang khẩn trương hoàn thiện khung trình độ quốc gia phù hợp và được công nhận ngang bằng với khung trình độ của các quốc gia trong Cộng đồng ASEAN.

Điều này cũng đồng nghĩa rằng bộ tiêu chí thẩm định của Việt Nam chúng ta phải từng bước tiệm cận và tương đồng với bộ tiêu chí thẩm định của cả khu vực, cả châu Á và toàn cầu. Có như thế, khi tiến hành kiểm định độc lập chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế thì không phải kiểm định lại từ đầu, thuận tiện cho chính cơ sở đào tạo, cho các trường.

Đối với trong nước, công tác kiểm định chất lượng giáo dục sẽ giúp Nhà nước, Chính phủ xác định những mô hình đào tạo, những địa chỉ Nhà trường rất cụ thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước; vừa có khả năng tham gia thị trường lao động chung, qua đó quyết định các chính sách đầu tư, hỗ trợ đúng địa chỉ, phát huy đúng nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

Vì vậy, quyết định của cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục “Đạt” hay “Không đạt” cũng mang ý nghĩa là quyết định sinh mệnh, sự tồn tại của một địa chỉ đào tạo, một Nhà trường. Với sứ mệnh cao cả đó, kiểm định viên, chuyên gia kiểm định phải là người từng trải trong hoạt động đào tạo, giàu kinh nghiệm, tâm huyết với sự nghiệp trồng người để có quyết định đánh giá cuối cùng “với sự am tường-cẩn trọng-công tâm để luôn hết sức khách quan”

Hiện nay cả nước mới có 5 Đại học được đánh giá kiểm định chất lượng độc lập; 203 Học viện-Đại học, 207 trường CĐ và 142 trường THCN hoàn thành “đánh giá trong” (Nhà trường tự kiểm định chất lượng của chính mình). Như vậy số lượng các trường ĐH-Học viện-CĐ và THCN cần được một cơ quan kiểm định độc lập thực hiện quy định kiểm định còn rất nhiều. Trong xu thế cạnh tranh trong đào tạo hiện nay, để khẳng định chất lượng đào tạo, khẳng định học hiệu trước người học và nhà tuyển dụng, các Nhà trường buộc phải tiến hành kiểm định đơn vị mình. Kết quả kiểm định sẽ phân tầng năng lực đào tạo, đánh giá chính xác và trả lời cho xã hội biết: Đâu là địa chỉ đào tạo đáng để theo học hay nghiên cứu?.

Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng đã ký những thỏa thuận hợp tác đầu tiên với các Trường trong khu vực.

Được biết, sắp đến 2 Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức công bố danh sách các trường đã được kiểm định chất lượng. Và lần lượt trên cả nước sẽ công khai chất lượng đào tạo qua kiểm định. Trường nào không chịu đánh giá, kiểm định sẽ chịu chế tài và không được còn được hưởng các quy định, các chính sách ưu tiên hay đầu tư từ hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong tuần đến (từ 14/3 đến 19/3/2016), Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố bộ tiêu chí kiểm định chương trình đào tạo. Hiện chúng ta có đến 3.000 chương trình đào tạo nhưng mới có 61 chương trình được kiểm định đánh giá, trong đó có chương trình được kiểm định ở cấp tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cũng cho biết quy trình kiểm định sẽ được tiến hành 5 năm 1 lần chứ không phải chỉ thực hiện 1 lần. Vì vậy, việc bảo đảm chất lượng luôn phù hợp với tiêu chí kiểm định là hết sức quan trọng; song, phải có bước nâng cao dần về quy mô, phương pháp, chương trình đào tạo phải được cập nhật phù hợp với tình hình…Có như vậy Nhà trường mới bảo đảm được uy tín của học hiệu. Nếu không sẽ tụt hậu, mất khả năng cạnh tranh so với trường bạn chịu đổi mới hơn.

Với những yêu cầu trên, Trung tâm kiểm định sẽ phải chịu một áp lực rất lớn khi thực thi công việc của mình. Và Trung tâm kiểm định hoạt động có hiệu quả hay không? Có được các Trường chọn và mời kiểm định chất lượng giáo dục-đào tạo của đơn vị mình hay không? Có đủ sức cạnh tranh cùng các Trung tâm bạn hay không?, điều đó do chính từng Trung tâm kiểm định quyết định.

Trần Ngọc thực hiện

Tin liên quan từ trang báo khác:

- Báo Giáo dục và Thời đại: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ra-mat-trung-tam-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-dau-tien-tai-khu-vuc-mien-trung-1695763-c.html
- Báo Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/28938602-mien-trung-co-trung-tam-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc.html
- Báo Thanh niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/bo-gddt-sap-cong-khai-cac-truong-dh-duoc-kiem-dinh-chat-luong-675021.html
- Báo Dân Trí: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thu-truong-bo-giao-duc-phai-can-trong-khi-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-2016030512482367.htm
- Báo Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/thanh-lap-trung-tam-kiem-dinh-giao-duc-dau-tien-tai-mien-trung-977359.tpo

 

 

Nguồn tin: ictdanang.vn